ỨNG DỤNG TRONG Y HỌC CỔ TRUYỀN

1. Về công năng sinh lý của tạng phủ

  • Quan hệ sinh lý của tạng phủ trong tương sinh:
    • Can mộc sinh tâm hoả: công năng can tàng huyết bình thường sẽ giúp cho tâm phát huy được công năng chủ huyết mạch.
    • Tâm hoả sinh tỳ thổ: chức năng tâm chủ huyết mạch bình thường, huyết nuôi dưỡng tỳ thì tỳ mới chủ vận hoá, sinh huyết, thống huyết…
  • Quan hệ tương hỗ chế ước tạng phủ trong tương khắc:
    • Thận thuỷ chế ước tâm hoả: ngăn ngừa tâm hoả cang thịnh.
    • Phế kim khắc can mộc: phế khí thanh túc để ức chế can dương thượng cang…

2. Diễn biến bệnh

  • Truyền biến của quan hệ tương sinh:

    • Mẫu bệnh cập tử: thận thuỷ sinh can mộc thì thận là mẫu tạng, can là tử tạng, bệnh thận ảnh hưởng đến can. Lâm sàng hay gặp chứng can thận tinh huyết bất túc: đầu tiên là thận tinh bất túc, ảnh hưởng đến can làm can huyết bất túc.
    • Tử bệnh phạm mẫu: can mộc sinh tâm hoả, tâm bệnh ảnh hưởng đến can.Lâm sàng gặp chứng tâm can huyết hư: do tâm huyết bất túc mà gây nên can huyết bất túc.
  • Truyền biến của quan hệ tương khắc:

    • Tương thừa: tương khắc thái quá thành bệnh.Như can mộc khắc tỳ thổ quá mạnh sẽ thành bệnh: đầu tiên là chứng bệnh của can, do can sơ tiết thái quá ảnh hưởng đến tỳ vị làm rối loạn công năng tiêu hoá.
    • Tương vũ: Phế kim vốn dĩ khắc can mộc, nhưng do can mộc quá mạnh phản vũ lại phế kim. Lâm sàng gặp đầu tiên bệnh ở can, do can hoả thiên thịnh, ảnh hưởng đến phế khí thanh túc nên xuất hiện đau tức ngực sườn, đắng miệng, dễ cáu, ho, có thể ho ra đờm lẫn máu…
  • Chẩn đoán và điều trị

    • Chẩn đoán:
      • Xác định vị trí bệnh: căn cứ vào biểu hiện của sắc, vị, mạch để mà chẩn đoán tạng bị bệnh. Ví như sắc mặt xanh, thích ăn đồ chua, mạch huyền thì có thể chẩn đoán can bệnh; mặt sắc đỏ, miệng đắng, mạch hồng có thể chẩn đoán tâm hỏa khang thịnh…
      • Suy đoán truyền biến của bệnh từ thuộc tính chủ về sắc của tạng. Ví như bệnh nhân tỳ hư, sắc mặt đang từ mầu vàng, nếu thấy sắc xanh, là mộc thừa thổ; bệnh nhân tâm hoả cang thịnh, sắc đương đỏ, nếu thấy chuyển sắc đen, là thủy đã khắc hỏa…
    • Điều trị:
      • Khống chế truyền biến của bệnh: Nếu can khí thái quá, khắc tỳ thổ, phải kiện tỳ vị để phòng sự chuyển biến bệnh.
      • Xác định nguyên tắc điều trị+ Căn cứ quy luật tương sinh: – Hư thì bổ mẹ. Ví như thận âm bất túc không tư dưỡng can mộc gây nên can âm bất túc, gọi là thuỷ không sinh mộc. Khi điều trị không nên trực tiếp trị can mà nên bổ thận thuỷ để sinh can mộc.

        – Thực thì tả con. Như can hoả tích thịnh, chỉ thăng không giáng, gây chứng can thực hoả, khi điều trị nên tả tâm hoả để giúp tả can hoả.

        + Căn cứ quy luật tương khắc

        – Ức cường: dùng khi tương khắc thái quá. Nếu can khí hoành nghịch, phạm vị khắc tỳ, gây nên can vị bất hoà, khi điều trị dùng pháp sơ can, bình can. Hoặc nếu tỳ thổ phản khắc can mộc, làm can khí mất điều đạt, phải dùng pháp kiện tỳ hoà vị để điều trị.

        Phù nhược: dùng trong tương khắc bất cập. Nếu can hư uất trệ, ảnh hưởng tỳ vị vận hoá, gọi là mộc không sơ thổ, điều trị nên hoà can làm chủ, kiêm thi kiện tỳ để tăng cường công năng của cả hai tạng.

    • Sử dụng thuốc:
      • Căn cứ vào vị và sắc của thuốc: vị chua và mầu xanh vào can; vị đắng và mầu đỏ vào tâm; vị ngọt và mầu vàng vào tỳ; vị cay và màu trắng vào phế; vị mặn và màu đen vào thận.
      • Bào chế: sao với dấm đưa vị thuốc vào can; sao với muối đưa vị thuốc vào thận; sao với đường đưa vị thuốc vào tỳ….
    • Tài liệu tham khảo

      – Y học cổ truyền. Nhà xuất bản QDND, 2013.

      – Y học cổ truyền. Nhà xuất bản y học, 2003